Bún riêu cua là món bún quen thuộc có nguồn gốc từ miền Bắc. Nguyên liệu chính của món bún này là cua đồng một trong những loại thực phẩm bổ dưỡng, thường xuyên có mặt trong bữa cơm hàng ngày của người Việt. Trong các món ăn miền Bắc, bún riêu cua là món ăn ngon mang hương vị riêng từ cua, thơm mùi mắm tôm, nước dùng chua ngọt rất thích hợp cho những ngày hè nắng nóng. Hãy cùng chúng tôi tham khảo cách nấu bún riêu cua kiểu miền Bắc cực ngon dưới đây nhé.
Bún riêu cua – ẩm thực của đồng quê Bắc Bộ
Bún riêu cua gắn liền với hương vị của đồng quê Bắc Bộ nên được nhiều người ưa chuộng. Thế nhưng ra quán, ra hàng ăn nhiều khi xa lại gặp ngày thời tiết thất thường nên cũng ngại. Nấu bún riêu tại nhà tuy hơi kì công nhưng nếu tỉ mỉ. Kiên trì một chút, chắc chắn bạn sẽ cho ra lò những tô bún riêu thơm ngon. Hấp dẫn chiêu đãi cả gia đình. Vậy nên hãy cùng may3a.com vào bếp học cách nấu bún riêu cua Miền Bắc siêu đơn giản dưới đây nhé!
Tìm về nguồn gốc của món bún riêu cua đồng, nhiều tài liệu cho thấy món này có xuất xứ từ miền Bắc, gắn với đồng quê Bắc Bộ. Cũng bởi vậy mà nguyên liệu đều rất mộc mạc, giản dị, dễ kiếm, dễ làm. Về sau theo chân người dân xứ Bắc đi vào miền Trung, miền Nam. Giờ đây đi đến miền nào bạn cũng dễ dàng thưởng thức được món bún riêu cua đồng.
Thế nhưng mỗi nơi lại có một vị đặc trưng, riêng biệt, phù hợp với văn hóa ẩm thực vùng miền. Nếu ở Bắc Bộ chỉ có cua đồng, cà chua chín, đậu phụ rán, mắm tôm, tóp mỡ, hành lá thì khi vào đến miền Trung, trong bát bún lại có cả vài miếng chả Huế. Xuôi về phía Tây Nam bộ, bún riêu sử dụng me chua cùng với giò, tiết hoặc sườn lợn, tôm khô, râu mực… khiến cho bún riêu cua đồng càng thêm hấp dẫn.
Cách nấu bún riêu cua đồng Miền Bắc
Nguyên liệu chuẩn bị để nấu bún riêu cua
– 500gr cua đồng, 1kg bún, 3 bìa đậu phụ, 4 quả cà chua, 1 củ hành khô đập dập, 1 củ tỏi đập dập, Dấm bỗng, Hành lá, Chanh, Hành phi, Dưa chuột
– Rau sống: Hoa chuối, xà lách tía tô…
– Gia vị đầy đủ: mắm, muối, đường, mắm tôm
Chi tiết cách nấu bún riêu cua đồng chuẩn vị
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sơ chế cua đồng:
Bạn nên chọn mua cua đồng tươi ngon. Cách làm cua đồng như sau:
– Cho vào nước ngâm và khoắng nhiều lần để loại bỏ chất bẩn trên thân cua. Tiến hành ngâm rửa khoảng 1 – 2 tiếng.
– Dùng tay gỡ mạnh phần vỏ cứng ở phía trên. Cua tươi có càng rất sắc nhọn nên bạn làm cẩn thận tránh để bị kẹp.
– Lấy tăm gỡ phần gạch cua ở phía trên lưng sau khi đã gỡ vỏ, để riêng một bát.
– Tiếp tục bóc phần yếm mềm phía dưới bụng, miệng cua, đem ngâm vào nước muối pha loãng chừng 10 phút để loại bỏ giun sán rồi vớt ra, rửa với nước sạch.
– Dùng chày và cối để giã nát nhuyễn hoặc bạn có thể cho vào máy xay nhuyễn.
– Cho thêm nước vào hỗn hợp xay nhuyễn, dùng tay bóp mạnh rồi lọc qua rây lọc, bỏ bã, chỉ lấy nước. Có thể thực hiện 2 – 3 lần với phần bã để tận thu được toàn bộ dinh dưỡng.


Sơ chế các nguyên liệu khác:
– Dấm bỗng chắt lấy nước, bỏ phần bã.
– Cà chua rửa sạch, thái hình múi cau.
– Hành lá rửa sạch, thái nhỏ.
– Dưa chuột, các loại rau sống thì rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng chừng 15 – 20 phút để đảm bảo an toàn. Sau đó vớt ra, để ráo nước.
– Chần bún qua nước sôi để khử bớt mùi chua của bún. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, sạch sẽ, không có chất độc hại thì bạn có thể tự làm bún tươi ngay tại nhà với máy làm mì tươi 3A.
Bước 2: Rán đậu phụ
Cắt đậu phụ thành từng miếng vuông nhỏ, cho vào chảo ngập mỡ để rán vàng đều tất cả các mặt.


Bước 3: Nấu thịt cua đông lại
Sau khi thu được nước cua, bỏ một muỗng canh hạt nêm vào nước, khuấy đều, cho lên bếp đun sôi. Vừa đun vừa dùng đũa khuấy để cua không bị dính vào đáy nồi. Lưu ý, đun cua rất rễ bị bồng lúc sôi, do đó khi nồi nước cua chuẩn bị sôi, bạn phải canh và hạ nhỏ lửa tránh để bị bồng sẽ làm tràn hết ra ngoài. Khi gạch đông lại thì vặn nhỏ lửa, vớt ra một bát con, để riêng.
Bắc một chảo lên bếp, đun nóng 1 thìa canh dầu ăn, phi thơm hành, cho cà chua vào xào, nêm thêm chút hạt nêm + 1 chút ớt. Cho một chút nước vào đảo đến khi cà chua chín (còn giữ hình múi cau) thì chia làm 2 phần: Một phần nấu tiếp còn một phần cho ra đĩa.
Chưng đến khi cà chua chín mềm hết thì cho thêm nước thịt cua xấp xấp mặt và cho phần thịt cua ở trên vào. Lúc này không đảo nữa. Chỉ lấy thìa múc nước cà chua phủ lên trên, đun trong 10 phút thì cho hành lá thái nhỏ và một chút bột nghệ tạo màu, đảo 2 phút tắt bếp, múc ra đĩa.
Bước 4: Phi hành mỡ chưng gạch cua
Phần gạch cua thì đem chưng. Bắc lên bếp một chiếc chảo chống dính. Đun với 3 thìa canh dầu ăn, cho hành đập dập vào phi đến phi thơm vàng. Tiếp theo đổ phần gạch vào đảo nhanh trên lửa lớn rồi tắt bếp. Cho vào bát đựng thịt cua đã chưng ở trên.
Bước 5: Đun nước bún
Sử dụng nước đun thịt cua lúc ban đầu, cho 1/2 cà chua ở bước 3 (đã xào qua chín tới) vào nồi. Nêm thêm chút bột canh + nước mắm + 1 thìa cà phê mắm tôm + bát nước dấm bỗng vào. Khuấy đều đến khi nước gần sôi thì cho 1/2 đậu rán vào nồi đun sôi.
Cuối cùng cho hành tươi vào nồi và tắt bếp (hoặc có thể cho hành sẵn vào bát bún).
Bước 6: Hoàn thành và thưởng thức món bún riêu cua


Cho bún lên bát, thêm chút hành khô phi vàng, hành tươi. Cà chua đã đảo qua (ở bước 3) rồi múc nước có cả đậu phụ rán để chan bát bún. Cuối cùng, cho 2 phần gạch cua và thịt cua chưng ở bước 3 + bước 4 vào bát bún. Cho gạch cua cuối cùng để gạch không bị tan ra, đảm bảo độ tươi ngon, hấp dẫn, chuẩn bị bún riêu Hà Nội.
Tuy các bước chế biến khá cầu kỳ nhưng quả thật có bát bún riêu cua đồng ăn kèm với rau sống vào bữa sáng thì ngon hết chỗ nói. Bạn chỉ cần nấu 2- 3 lần đã thành thục tất cả các bước. Thậm chí có thể tự tin mở một quán ăn sáng chuyên bán bún riêu.
Thông tin thêm về cua đồng trong y học cổ truyền
Không chỉ là thực phẩm giàu dinh dưỡng, cua đồng còn là một vị thuốc tốt trong y học cổ truyền. Vào mùa hè, các món canh từ cua đồng thường được nhiều người bổ sung vào thực đơn hàng ngày của gia đình bởi khả năng giải nhiệt, kích thích ăn uống và dễ tiêu hóa.
Y học hiện đại đã chứng minh giá trị dinh dưỡng rất lớn của cua đồng. Theo đó, cứ 100g cua đồng bỏ mai và yếm thì có 74,4g nước, 12,3g protid, 3,3g lipid, 2g glucid, cung cấp được 89g calo. Lượng vitamin và muối khoáng, đặc biệt là canxi trong cua đồng rất cao; theo đó. Cứ trong 100g cua thì có 5.040mg canxi, 430mg photpho, 4,7mg sắt, các loại vitamin B1, B2, PP… Bên cạnh đó, trong cua đồng có có 8 trên 10 axit amin cần thiết cho cơ thể con người, gồm lysine, methionie, valine, leucin, isoleucien, phenylalanine, threonine và trytophane (chỉ thiếu arginine và histidine).